Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Người Việt Nam cống hiến cho sự phát triển của nước mình

“Nhiều người đã từng làm cho công ty nước ngoài về làm việc cho Viettel, có một điểm chung là ai cũng có khát vọng phục vụ cho Tổ quốc mình. Đó là sự thật. Bản thân tôi về Viettel không phải vì lương”, đó là tâm sự của một người đầu quân cho Viettel.









Anh Nguyễn Khánh Hoàn rời vị trí Phó phòng kỹ thuật sản xuất của Samsung về với Viettel đã gần 3 năm, hiện là Phó phòng kỹ thuật của Công ty M1.


"Lúc 8 chiếc USB đầu tiên ra lò, anh em chưa biết nó có chạy hay không. Khi test, 5 chiếc chạy được thì anh em mừng lắm! Cho dù đã sản xuất thử một lần ở Foxlink nhưng đây là sản phẩm do chính mình làm ra, làm ngay tại nhà máy của mình. Trước đó, nhà máy cũng sản xuất vài bảng mạch thông tin quân sự rồi song chưa phải là sản phẩm hoàn thiện", anh Nguyễn Khánh Hoàn nhớ lại cảm xúc của mình khi chiếc USB đầu tiên Viettel sản xuất ra.
Anh Hoàn cho biết, khó khăn của cả nền công nghiệp điện tử Việt Nam là nền tảng công nghệ, đội ngũ nhân lực về điện tử của Việt Nam cực kỳ hiếm, chỉ có một số ít làm ở công ty nước ngoài về; công nghiệp phụ trợ của Việt Nam kém phát triển nên rất bất lợi. Thế nhưng, đến giờ này anh em rất tự tin kể cả việc nghiên cứu thiết kế smartphone.
Anh Nguyễn Khánh Hoàn chia sẻ, trước đây, khi làm cho các công ty nước ngoài nếu có khó khăn sẽ chuyển cho công ty mẹ ở Nhật Bản hay Hàn Quốc để tìm hướng xử lý. Thế nhưng, ở Viettel, anh em phải tự giải quyết và đều đã giải quyết được. Vì vậy, nhiều công việc rất khó anh em cũng tự lực. Có những phần mềm làm rất khó, thường phải mua của các công ty nước ngoài đến cả triệu USD, thế nhưng anh em không quản ngày đêm và cuối cùng đã thành công.
“Tôi đã tiếp xúc với nhiều người đã từng làm cho công ty nước ngoài về làm việc cho Viettel, có một điểm chung là ai cũng có khát vọng phục vụ cho Tổ quốc mình. Đó là sự thật. Bản thân tôi về Viettel không phải vì lương. Khi tôi về Viettel, lương ở Samsung cao hơn nhưng tôi vẫn sẵn sàng vì lý tưởng, dùng chất xám của mình cống hiến cho Việt Nam. Mình có thị trường gần trăm triệu dân mà đi dâng cho nước ngoài là không được. Viettel có cách làm và tinh thần người lính. Một trong những cái tôi đánh giá cao nhất là tinh thần kỷ luật. Bọn tôi đã từng làm ở những công ty có tinh thần kỷ luật rất tốt, điều này rất quan trọng vì nó tạo cho con người ta có ý thức”, anh Hoàn nói.







Anh Trần Đình Hưng rời công ty sản xuất IC của Mỹ tại Trung Quốc,về Viettel từ 2009, hiện là Phó Phòng Phát Triển Công nghệ - Sản xuất của Công ty Thông tin M1.


Anh Trần Đình Hưng cho hay, trước đây công việc của anh tại công ty sản xuất IC của Mỹ chỉ là chuyên làm một việc lặp đi lặp lại trong cả một chuỗi sản xuất. Lúc về Viettel, mong muốn của Hưng rất đơn giản: là người Việt Nam, về Việt Nam và làm việc cho một công ty Việt Nam. Nhưng quả thực, môi trường ở đây đã rèn luyện và làm cho Hưng ý thức rõ hơn về trách nhiệm và tầm quan trọng của việc phải làm chủ công nghệ và sản xuất được các thiết bị với hàm lượng cao chất xám của mình, trên đất nước mình.
“Ở Viettel nói chung, M1 nói riêng, có một điều đặc biệt, đó là người lãnh đạo thường có kỳ vọng quá cao, luôn yêu cầu nhân viên làm những việc tưởng chừng “quá sức”, “không tưởng”. Ví dụ như việc lãnh đạo thường xuyên yêu cầu phải làm chủ công nghệ, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng mà giá lại phải tối ưu. Điều đó trở thành áp lực cực kỳ lớn. Nhưng chính cách nghĩ, hướng tư duy đó đòi hỏi mình phải nỗ lực hơn khi ở những nơi khác. Thay vì đi mua sẵn với giá cao thì mình phải tự làm, để không những chủ động về giá, mà còn chủ động về tất cả những khâu khác trong quá trình đưa sản phẩm ra thị trường. Những kỳ vọng cao và thách thức đó đã tôi luyện mình trưởng thành. Khi mình đã nỗ lực thì dù có thành công hay thất bại, nó đều mang lại những bài học, kinh nghiệm quý, là tiền đề để chinh phục những thử thách tiếp theo”, anh Trần Đình Hưng chia sẻ.











Anh Nguyễn Hoàng Trường rời vị trí team leader của Toshiba về với Viettel đã gần 5 năm, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Thiết bị đầu cuối thông minh - Công ty Thông tin M1.





Còn theo lời kể của anh Nguyễn Hoàng Trường, một người bạn làm ở Phòng Kỹ thuật Viettel chuyển cho anh thông báo tuyển dụng, trong đó có hai điểm ấn tượng là Viettel có môi trường làm việc trọng người tài và Viettel nuôi khát vọng tạo ra những sản phẩm “Made in Việt Nam”. Từ đó, Trường mong muốn làm cho Viettel, được làm ra những sản phẩm của Việt Nam. Khi còn làm việc ở Toshiba, Trường chỉ được tham gia vào một phần chứ không được tham gia vào toàn bộ. Vì thế, quy trình để làm ra một chiếc TV như thế nào cũng không biết, chỉ biết về công đoạn của mình. Những công nghệ lõi thì Toshiba giữ hết, người Việt không được tiếp cận.
Anh Nguyễn Hoàng Trường cho rằng, muốn thu hút những người ở các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới về Viettel cần có 3 yếu tố. Thứ nhất là môi trường làm việc nhiều người tài, có tham vọng, quyết tâm để xây dựng một lực lượng hùng mạnh. Thứ hai, Viettel có mục tiêu làm ra được những sản phẩm “Made in Vietnam”, được xã hội ghi nhận và ủng hộ. Thứ ba, quyền được hiểu rõ về quy trình sản xuất một sản phẩm từ đầu đến cuối là điều giúp cho các kỹ sư thiết kế trưởng thành lên rất nhiều.







Chị Phan Thị Loan rời vị trí quản lý chất lượng tại Panasonic về Viettel đã gần 4 năm, hiện là Trưởng ban Quản lý chất lượng sản xuất, Xí nghiệp sản xuất thiết bị viễn thông.


Chị Phan Thị Loan tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, Khoa Công nghệ Hóa học,  nhưng khi ra trường lại chọn nghề điện tử. Loan kể rẳng sau khi bước chân rời giảng đường Đại học, bỡ ngỡ với mọi thứ xung quanh và chấp nhận dấn thân vào một lĩnh vực mới ở một số công ty của Nhật. Được “tôi luyện” ở đó 5 năm nhưng khao khát được thực sự cống hiến điều gì đó cho đất nước đã thôi thúc chị tìm đến các doanh nghiệp trong nước. Thật may, lúc đó Viettel tuyển nhân sự, thế là chị “bén duyên” nơi này luôn từ năm 2011 đến nay.
“Tôi được làm công việc mình yêu thích, nơi mình yêu thích và quan trọng hơn nữa là góp phần hình thành lên các sản phẩm mang thương hiệu Viettel, thương hiệu Việt Nam ra toàn cầu. Tôi cũng đã công tác qua nhiều công ty nước ngoài và thấy họ luôn có sẵn các quy trình để thực hiện theo. Còn Viettel lại có cách làm khác, một số việc làm trước rồi mới có quy trình. Mỗi cái đều có hai mặt, nhưng theo tôi cách làm này là hợp lý trong thời điểm hiện tại của đơn vị”, chị Phan Thị Loan nói.
Nguồn tin từ : muasim.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét