Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Viettel đề nghị mời công an tham gia xử lý 53 nguồn gây nhiễu ở một quận thuộc Hà Nội.

Riêng tháng 5/2015, Viettel đã phát hiện 53 nguồn gây nhiễu ở một quận thuộc Hà Nội, do người dân dùng điện thoại không dây kéo dài không tương thích và trạm lặp kích sóng di động trái phép. Viettel đề nghị Bộ TT&TT mời cả công an xử lý tình trạng trên.
Điện thoại không dây kéo dài gây nhiễu mạng viễn thông bị Cục Tần số vô tuyến điện kiểm tra, phát hiệu và thu hồi.
Theo ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Viettel, tình trạng các thiết bị không tương thích do người dân sử dụng đã gây nhiễu khá lớn cho mạng 3G. Chỉ riêng ở Hà Nội, trong tháng 5/2015, Viettel phát hiện có 53 nguồn gây nhiễu ở một quận nội thành. Viettel đã phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện tìm kiếm và xử lý được 23 nguồn gây nhiễu, có 3 nguồn gây nhiễu chủ nhà không hợp tác, không mở cửa cho vào nhà để xử lý. Còn 27 nguồn gây nhiễu vẫn chưa phát hiện để xử lý được.
Ông Lê Đăng Dũng đề nghị Cục Tần số vô tuyến điện tích cực tìm kiếm và xử lý nguồn nhiễu mạng 3G. Đồng thời, có thể dùng cả biện pháp mời công an tham gia để xử lý can nhiễu trong dân cư.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho hay, trong số 23 vụ đã tìm được nguồn nhiễu có 3 vụ do người dân sử dụng sử dụng thiết bị vô tuyến, 17 vụ dùng trạm lặp trong nhà để kích sóng di động, có 3 vụ tìm thấy thiết bị nhưng không gây nhiễu.
Ông Tuấn cho biết thêm, tình trạng gây nhiễu mạng di động 3G do điện thoại không dây kéo dài có xuất xứ từ Mỹ tồn tại từ mấy năm nay, việc tìm kiếm và xử lý nguồn gây nhiễu khá mệt mỏi và tốn kém cho các đơn vị quản lý tần số. Các thiết bị này vẫn được mang vào Việt Nam một cách thoải mái nên người dân tự do sử dụng, chỉ đến khi nhà mạng bị nhiễu mới đi tìm kiếm nguồn gây nhiễu và xử lý.
Ông Tuấn cho rằng, việc quản lý nhiều thiết bị vô tuyến nhập khẩu như điện thoại không dây kéo dài, trạm kích sóng di động (trạm lặp) trên thị trường rất lỏng lẻo làm ảnh hưởng lớn đến an toàn mạng viễn thông.
Mặt khác, khi đến nhà dân để xử lý nhiễu, nhiều người chia sẻ rằng không muốn lắp đặt các trạm kích sóng di động làm gì nhưng chỉ vì khu vực đó sóng quá yếu nên buộc họ phải gắn thêm thiết bị trong nhà. Về nguyên tắc khi phát hiện sử dụng thiết bị gây nhiễu đoàn kiểm tra có thể xử phạt nhưng nhiều người dân đổ tại sóng yếu do nhà mạng di động.
Không chỉ có mạng 3G của Viettel bị gây nhiễu, tình trạng người dân dùng điện thoại không dây kéo dài xuất xứ từ Mỹ sử dụng băng tần cùng tần số với MobiFone nên gây nhiễu cho mạng 3G của nhà mạng này được phát hiện, cảnh báo từ nhiều năm nay, nhưng vẫn tiếp tục tái diễn và có chiều hướng gia tăng. Năm 2013, cơ quan quản lý tần số đã phát hiện tới 377 vụ sử dụng điện thoại không dây DECT xuất xứ từ Mỹ gây nhiễu sóng nhưng người dân vẫn sử dụng rất nhiều loại điện thoại này.
Việc sử dụng điện thoại không dây chuẩn DECT 6.0 không đúng băng tần quy hoạch cũng gây nhiễu cho mạng 3G, còn thiết bị trạm lặp của người dân gây nhiễu cho mạng di động. Một số thiết bị gây nhiễu di động sau một thời gian sử dụng, bị trôi tần số gây nhiễu băng tần thu các trạm gốc mạng di động. Ngoài ra, còn có nhiều thiết bị bộ đàm, mạng dùng riêng hoạt động không có giấy phép, sai quy định gây nhiễu cho các mạng dùng riêng khác.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải, việc quản lý thiết bị đầu cuối gây nhiễu còn lỏng lẻo. Do quy định về xuất nhập khẩu nếu người dân xách tay 1-2 cái không bị kiểm duyệt về tiêu chuẩn kỹ thuật nên mang vào Việt Nam rất dễ. Bản thân người dân cũng không biết thiết bị này không tương thích về tiêu chuẩn kỹ thuật khi sử dụng ở Việt Nam. Vì thế, số lượng điện thoại không dây kéo dài theo chuẩn Bắc Mỹ được mang vào Việt Nam ngày càng lớn, nếu không có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu vào thì chỉ một thời gian ngắn nữa có nguy cơ thiết bị này được ngày càng nhiều.
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải chỉ đạo, Cục Tần số vô tuyến điện cần có đề xuất với Tổng cục Hải quan để có biện pháp kiên quyết không cho nhập khẩu thiết bị viễn thông không tương thích vào Việt Nam. Đồng thời, đề xuất Bộ Công thương có chỉ đạo để Cục Quản lý thị trường kiểm tra tịch thu thiết bị khi xuất hiện trên thị trường.
Nguồn tin từ:muasim.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét