Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Báo chí là niềm hào của đất nước.

Phát biểu tại buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, báo chí đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, cả trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm 90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam diễn ra ngày 19/6/2015 tại trụ sở Bộ TT&TT.
Chiều 19/6/2015, Bộ TT&TT tổ chức buổi gặp mặt các nhà báo lão thành và lãnh đạo các cơ quan báo chí nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang 90 năm qua của báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015).
Buổi gặp mặt có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân; các nhà báo lão thành Hà Đăng, Phan Quang, Đỗ Phượng, Hữu Thọ cùng đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Hội Nhà báo Việt Nam.
Về phía Bộ TT&TT và các cơ quan báo chí, buổi gặp mặt có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cùng các Thứ trưởng Bộ TT&TT; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT; cùng lãnh đạo của 112 cơ quan thông tấn báo chí đại diện cho đội ngũ báo chí cả nước.
Ôn lại chặng đường phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam 90 năm qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, đào tạo, xây dựng nền báo chí nước nhà, khi tìm đường cứu nước, đã chọn báo chí làm vũ khí đấu tranh cách mạng. Ngay trên đất Pháp, Người và các đồng chí của mình ở các nước thuộc địa đã thành lập tổ chức Người cùng khổ và Người cũng trực tiếp viết báo, vẽ tranh vạch trần bản chất, tố cáo tội ác của đế quốc thực dân. Trong quá trình vận động cách mạng tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, Người đã thành lập báo Thanh niên, tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta.
Từ tháng 6/1925 đến năm 1930, tờ báo cách mạng này đã đóng vai trò là công cụ trực tiếp đưa lý luận cách mạng đến với công nhân, trí thức, nhân đân, chuẩn bị điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi ra đời cho đến cách mạng tháng 8/1945, trong suốt 2 cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc thống nhất Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, hệ thống báo chí cách mạng bảo đảm vai trò là người truyền bá tư tưởng của Đảng, đưa đường lối cách mạng vào quần chúng, tập hợp quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo của Bác Hồ, cổ vũ toàn dân vừa kháng chiến vừa kiến quốc, đưa đất nước ta đến thống nhất vào mùa xuân năm 1975.
“Thấm nhuần lợi dạy của Bác Hồ: người làm báo là chiến sỹ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng của nhân dân, những người làm báo cách mạng Việt Nam thực sự đóng góp quan trọng vào chiến công chung của toàn dân tộc. Hơn 400 nhà báo đã hy sinh trên các mặt trận. Thông tin báo chí đã làm cho nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới biết được về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến, giành thắng lợi. Những người làm báo có quyền tự hào về sự hy sinh và đóng góp của mình trong suốt chặng đường vừa qua”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son ôn lại truyền thống lịch sử của báo chí cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua.
Trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, báo chí Việt Nam không ngừng phát triển về số lượng, chất lượng, hòa nhập và tương đồng với báo chí thế giới vừa giữ bản sắc riêng của báo chí cách mạng Việt Nam. Hiện nay, cả nước có 849 cơ quan báo chí in với 111.000 ấn phẩm; 66 đài phát thanh truyền hình với hơn 100 kênh truyền hình và hơn 70 kênh phát thanh trong cả nước, 40 kênh truyền hình nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, dưới sự chỉ đạo và tạo điều kiện của Chính phủ, chúng ta đã có hệ thống truyền dẫn phát thanh truyền hình đa dạng từ analog, cáp, truyền hình vệ tinh, số mặt đất và mạng Internet. Cả nước hiện nay có 98 báo điện tử, 250 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí, hơn 1.500 trang thông tin điện tử tổng hợp.
Tương ứng với hệ thống báo chí nêu trên, đội ngũ những người làm báo Việt Nam cũng đã không ngừng lớn mạnh. Cả nước có hơn 3 vạn người làm trong các cơ quan báo chí, gần 18.000 người đã được cấp thẻ nhà báo và hơn 95% người làm báo có trình độ đại học và trên đại học. Không chỉ về năng lực nghiệp vụ mà về phẩm chất chính trị, đạo đức của người làm báo cũng ngày càng được nâng cao.
Với hệ thống những người làm báo nêu trên, báo chí Việt Nam hoàn toàn đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của các tổ chức, nhân dân và phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của cả nước. Đến nay đã có hơn 95% dân số được nghe đài và xem được truyền hình, gần 40% dân số truy cập Internet hàng ngày. Chính phủ đã đặt hàng báo Nhi đồng, báo Thiếu niên phát đến các lớp học. Đặc biệt, nhiều ấn phẩm do nhà nước đặt hàng đã được chuyển đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới biển đảo xa xôi của Tổ quốc.
Để bảo đảm cho báo chí phát triển nhanh, lành mạnh, thông tin trung thực về tình hình trong nước và quốc tế, phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân, trong những năm qua, Chính phủ đã xây dựng Chiến lược phát triển thông tin, đã và đang xây dựng Quy hoạch báo chí, chuẩn bị trình Quốc hội Luật Báo chí mới vào kỳ họp thứ X quốc hội khóa XIII diễn ra tháng 10/2015; đang triển khai số hóa truyền hình theo Quyết định 2451 của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ cũng chủ trương xây dựng, đào tạo và hỗ trợ kinh phí, giảm thuế cho phát hành.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng thẳng thắn chỉ rõ, hoạt động của báo chí trong thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém trong đó có những hạn chế chậm được khắc phục tại nên những bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của báo giới. “Trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước đang chịu nhiều tác động bởi truyền thông, số hóa, sự  bùng nổ của thông tin đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, những người làm báo cả nước hơn lúc nào hết phải nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, trau dồi nghiệp vụ, đặc biệt là đạo đức người làm báo, đấu tranh với những hiện tượng sai trái, định hướng dư luận xã hội, nghiêm túc với hạn chế yếu kém của mình, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Chính phủ và nhân dân”, Bộ trưởng nói.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: Đảng, Nhà nước, nhân dân ta thực sự phấn khởi, thực sự tự hào về báo chí cách mạng nước ta. Chín mươi năm qua, gần cả thế kỷ, đất nước ta đứng trước nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều bước ngoặt lịch sử nhưng báo chí cách mạng nước ta luôn trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, của nhân dân ta qua các giai đoạn, các thời kỳ; luôn năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó cho báo chí cách mạng Việt Nam. Báo chí đã đóng góp quan trọng, to lớn vào thành tựu chung của đất nước ta trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
“Từ sự trung thành, từ sự hoàn thành tốt nhiệm vụ, từ sự đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, đội ngũ làm báo của chúng ta lớn mạnh, trưởng thành. Thành tựu, kết quả đạt được, ưu điểm của báo chí là dòng chảy chính. Đội ngũ báo chí đã trưởng thành cả về ý thức chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cũng như trình độ công nghệ, trong điều kiện chúng ta phải hội nhập với thế giới và công nghệ phát triển nhanh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo đánh giá của Thủ tướng từ báo chí, người làm báo của chúng ta thực sự trưởng thành lớn mạnh, sánh vai với bạn bè quốc tế. Trưởng thành không chỉ về bản lĩnh chính trị, lòng yêu nước mà cả về trình độ nghiệp vụ, công nghệ. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh vươn lên ra hội nhập quốc tế cũng có bước phát triển đáng mừng. Nhiều tờ báo, nhiều cơ quan truyền thông, nhiều cán bộ, nhà báo của chúng ta được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng, tin cậy, tôn trọng, ngưỡng mộ và quý mến.
Nhân đây, chúng ta cũng thành kính tri ân, tưởng nhớ các thế hệ làm báo Việt Nam trong suốt 90 năm qua đã gắn bó với nghề báo, một nghề hết sức cao quý, có vai trò vị trí quan trọng trong đời sống xã hội đất nước. Có người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp báo chí. Nhiều phóng viên, cán bộ báo chí  đã không tiếc mồ hôi, xương máu, không ngại hiểm nguy, đóng góp cả xương máu, tính mạng của mình để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó cho nghề cao quý - nghề làm báo của mình để đưa được những thông tin nhanh, kịp thời, chính xác, có tác dụng tốt, định hướng tốt đến với xã hội, nhân dân, đem lại lợi ích cho đất nước, dân tộc. Đảng và Nhà nước luôn ghi nhận và đánh giá cao.
Đặc biệt, theo Thủ tướng, 5 năm gần đây, trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức, bằng nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả nước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng, đó là: đã kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô của đất nước; phục hồi được tốc độ tăng trưởng kinh tế; công tác bảo đảm an sinh xã hội, y tế, cải thiện đời sống nhân dân tiếp tục được phát triển, đạt nhiều kết quả; giữ vững chủ quyền quốc gia, đảm bảo quốc phòng an ninh trong bối cảnh hết sức phức tạp; cùng với đó công tác đối ngoại cũng đạt nhiều kết quả góp phần quan trọng tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.
“Kết quả, thành tựu đạt được chặng đường 5 năm qua là công sức chung của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong thành tựu này có sự đóng góp của báo chí. Báo chí đã đóng vai trò quan trọng để đạt được kết quả này. Trước hết là tạo đồng thuận xã hội, tạo đồng thuận trong nhân dân về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, qua đó phản ánh kịp thời những ý kiến rất thực tiễn từ cuộc sống để Đảng, Nhà nước kịp thời điều chỉnh chủ trương, giải pháp. Còn trong tình hình báo vệ chủ quyền quốc gia, báo chí đã có đóng góp rất quan trọng”, Thủ tướng khẳng định.
Về nhiệm vụ thời gian từ nay đến cuối năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị báo chí lưu ý, đề cao trách nhiệm nhằm đóng góp vào việc thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ lớn của đất nước: thứ nhất, phấn đấu nỗ lực để đạt kết quả cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2015 và từ đó nhìn lại chặng đường 5 năm, gắn với đó là cải thiện thiết thực đời sống của người dân, nhất là đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số; thứ hai, phải đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia bằng các giải pháp tổng hợp; thứ ba là phải tiến hành thành công Đại hội Đảng các cấp.
Riêng về hoạt động báo chí, Thủ tướng cho biết, Đảng và Nhà nước nhận thức đầy đủ vai trò của báo chí, mong muốn làm hết sức để báo chí nước ta tiếp tục làm tốt được chức năng nhiệm vụ của mình, đóng góp ngày càng lớn vào thành tựu chung của đất nước trên các lĩnh vực. Cùng với đó, cũng mong muốn tạo mọi điều kiện để báo chí nước ta không ngừng phát triển lớn mạnh sánh vai với bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhận định, trong bối cảnh mới, báo chí phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình trong điều kiện kinh tế thị trường, trong điều kiện CNTT, công nghệ truyền thông mới, yêu cầu làm sao để báo chí vừa làm được nhiệm vụ chính trị nhưng vừa phải tồn tại và phát triển được là rất khó khăn. Do đó, đề nghị đội ngũ người làm báo suy nghĩ, đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp để làm làm sao cho báo chí vừa làm được nhiệm vụ chính trị vừa có nguồn thu, thu nhập cho người làm báo.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo báo chí quan tâm làm tốt 3 nội dung: Thứ nhất, phải đề cao vai trò của các cơ quan chủ quản, cơ quan lãnh đạo báo chí. Người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan báo chí hết sức lưu ý đề cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của mình, với tinh thần tất cả vì đất nước. Thứ hai, các phóng viên, biên tập viên, nhà báo cần hết sức đề cao trách nhiệm của mình với xã hội, với đất nước, rèn luyện phẩm chất đạo đức người làm báo. Thứ ba, đề nghị Bộ TT&TT, Hội Nhà báo ngoài việc đóng góp vào sửa đổi Luật báo chí, cần đề xuất các cơ chế chính sách để làm sao  cho báo chí ngày càng làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, vai trò của mình nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện để báo chí lớn mạnh hơn, hoạt động nghề báo tốt hơn và thuận lợi hơn.
Nguồn tin từ:muasim.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét