Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Zalo là ứng dụng OTT nội duy nhất lọt vòng top đầu các dịch vụ OTT được người dùng 3G ưa chuộng.

Zalo được tới 64% người dùng 3G ở 3 thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng thích sử dụng, chỉ đứng sau Facebook (83%), đứng trên cả Viber, Yahoo Messenger. Zalo là ứng dụng OTT nội duy nhất lọt vòng top đầu các dịch vụ OTT được người dùng 3G ưa chuộng.

Zalo được 64% người dùng 3G tại 3 thành phố lớn ở Việt Nam ưa thích sử dụng.
Theo kết quả khảo sát do GFK vừa mới công bố, có tới 87% người sử dụng 3G tham gia khảo sát có sử dụng dịch vụ OTT.
Trong số đó, 83% có sử dụng Facebook chat/Messenger; 64% dùng Zalo; 45% dùng Viber; 23% dùng Yahoo! Messenger; 20% dùng Skype; 10% dùng Line. Trong số người dùng dịch vụ 3G chỉ có 13% không dùng OTT.
Đây là kết quả của "Dự án nghiên cứu hành vi sử dụng dịch vụ 3G của người dùng Việt Nam năm 2014” do GFK và Báo Bưu điện Việt Nam phối hợp thực hiện. Dự án này đã khảo sát trên 576 mẫu nghiên cứu tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
Theo bà Đinh Ngọc Bảo Trân, đại diện GFK, bảng khảo sát đã liệt kê 24 dịch vụ OTT cả của quốc tế và Việt Nam. Các dịch vụ OTT có kết quả nói trên là những dịch vụ có lượng người dùng lớn nhất.
Một con số mà các nhà mạng Việt Nam đáng quan tâm là có tới 41% người dùng dịch vụ OTT sử dụng dịch vụ này thường xuyên hơn so với dịch vụ gọi/ nhắn tin truyền thống và 71% hài lòng với dịch vụ này.
Nhìn vào kết quả trên chỉ có mỗi Zalo là OTT nội, còn lại người dùng 3G Việt Nam phần lớn ưa chuộng dùng các dịch vụ OTT quốc tế. Điều này có nghĩa bên cạnh mối họa bị sụt giảm doanh thu dịch vụ thoại và tin nhắn truyền thống đã thấy rõ, các ứng dụng OTT do các nhà mạng mới phát triển cũng phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn bởi các dịch vụ OTT quốc tế.
Hiện đã có 2 nhà mạng VinaPhone và Viettel chính thức cung cấp ứng dụng OTT. Hồi đầu tháng 4/2015, ứng dụng OTT đầu tiên của Viettel với tên gọi Mocha Messenger đã chính thức ra mắt khách hàng. Trước đó, tháng 12/2014, VinaPhone cũng ra mắt dịch vụ OTT Viettalk.
Trên ICTnews trước đây, chuyên gia Phạm Văn Việt đã từng phân tích, OTT miễn phí thoại, tin nhắn để phá hủy nguồn thu lõi nhằm khiến nhà mạng suy yếu hoặc cũng kinh doanh thu phí dịch vụ thoại. Tính cạnh tranh trực tiếp giữa OTT với nhà mạng đòi hỏi nhà mạng phải thay đổi chiến lược kinh doanh.
Cũng theo ông Việt, các nhà mạng nên cẩn thận với mối đe dọa từ OTT nước ngoài. Đây mới là điều nhà mạng trong nước cần quan tâm và phải hiểu đúng bản chất của nhóm này, vì đơn giản họ rất mạnh về tài chính, về Internet và có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Chỉ cần bước sai hướng, nhà mạng trong nước phải trả giá tổn thất tài chính lớn và chi phí thời gian để quay lui hồi phục.
Phát biểu hồi đầu năm 2015, ông Lâm Quốc Cường, Giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế VNPT-I cũng cho hay, dịch vụ điện thoại quốc tế của VNPT đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các ứng dụng OTT quốc tế như: Viber, Skype, Facetime… Các ứng dụng Viber, Skype cho phép gọi điện thoại miễn phí với chất lượng ngày càng tốt hơn, nên nhiều người đã sử dụng để thay thế dịch vụ điện thoại quốc tế. Không chỉ có vậy, Facetime đang thay thế điện thoại thấy hình, có nguy cơ ảnh hưởng tới cả dịch vụ hội nghị truyền hình.
Nguồn tin từ:muasim.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét