Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

K+ mới đưa ra tuyên bố sẽ tự đàm phán mua bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh

Ngày 31/3/2016, K+ đã có văn bản gửi Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) tuyên bố, K+ sẽ tự đàm phán để mua bản quyền phát sóng giải bóng đá Ngoại hạng Anh mùa giải 2016 – 2019, chứ không chờ đợi Hiệp hội mua và chia sẻ bản quyền dùng chung như đã ký cam kết trước đây.
K+ mới đưa ra tuyên bố sẽ tự đàm phán mua bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh.
Đại diện K+ cũng cho ICTnews hay, K+ cam kết sẽ mua bản quyền theo đúng  nguyên tắc chỉ đạo của nhà nước về việc tiết kiệm ngoại tệ, không mua bản quyền bằng mọi giá.
Trước đó, hồi đầu tháng 3, một nguồn tin từ K+ cũng cho ICTnews hay, K+ vẫn muốn được độc quyền Ngoại hạng Anh, cũng như độc quyền những nội dung đặc sắc khác, vì độc quyền chính là đặc sản của K+.
Trong văn bản gửi VNPayTV, K+ cho rằng, việc mua bản quyền lẽ ra phải kết thúc trong tháng 3, vì các đơn vị truyền hình cần có 6 tháng để chuẩn bị phương án tài chính, nhân lực, kỹ thuật để khai thác bản quyền. Tuy nhiên cho đến hết tháng 3, vẫn chưa có tín hiệu khả quan từ phía Hiệp hội về kết quả mua bản quyền. Với tiến độ và việc triển khai việc đàm phán như hiện tại, K+ không thể chắc chắn về khả năng đàm phán thành công cũng như thời gian việc đàm phán có thể được hoàn thành. Do đó, K+ đã thông báo sẽ tự đàm phán để mua bản quyền Ngoại hạng Anh.

K+ đã nói thẳng thắn rằng: “sau hơn 5 tháng hợp tác và kiên nhẫn chờ đợi, từ những quan sát và kinh nghiệm của mình, chúng tôi nhận thấy phương án mua chung là khó khả thi. Và cách thức thực hiện của Hiệp hội quá rủi ro với những đơn vị thực sự có nhu cầu mua bản quyền.
Trong 5 tháng qua, K+ là đơn vị sốt sắng nhất và đã gửi rất nhiều công văn đề xuất gửi tới Hiệp hội để thực hiện chủ trương đã đề ra. Và đến thời điểm này, với tiến độ chuẩn bị đàm phán như Hiệp hội đã đề xuất thì K+ xin phép không phải chờ thêm nữa vì K+ hiểu rõ là Hiệp hội không thể chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh và thiệt hại cho doanh nghiệp và người hâm mộ do chậm trễ hoặc không mua được Ngoại hạng Anh”.
Cũng theo phân tích của K+, có quá nhiều vấn đề cần phải thống nhất trước khi tiến hành đàm phán với bên bán bản quyền. Ý tưởng mua không độc quyền sẽ nảy sinh trở ngại khó có thể tháo gỡ, đó là sẽ không có đơn vị nào bỏ nhiều tiền để trả cho gói không độc quyền, đặc biệt khi các kênh quảng bá phát toàn bộ giải không độc quyền thì mặc dù giá bằng 3 mùa trước cũng là quá cao và Hiệp hội cũng không thể áp đặt các đơn vị nộp đủ số tiền đó.
Còn nếu Hiệp hội lại phân phối độc quyền thì ai sẽ được mua độc quyền với giá không quá 20% nếu có hơn 1 đơn vị muốn mua độc quyền. Hơn nữa, việc bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh thanh toán với bên bán bản quyền sẽ do ai thực hiện, Hiệp hội sẽ cam kết như thế nào và liệu có thể chịu trách nhiệm với bên bán bản quyền nếu có một thành viên vi phạm bản quyền.
Cuối cùng là trách nhiệm của Hiệp hội đối với các đơn vị thành viên trong trường hợp không mua được bản quyền, hoặc không mua được bản quyền trong thời hạn đã cam kết thế nào. Ai chịu trách nhiệm về thiệt hại của các doanh nghiệp trong trường hợp việc mua bản quyền không thành hoặc chậm trễ làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh...
Bên cạnh đó, K+ cũng cho rằng, tính ràng buộc của các cam kết giữa các thành viên và Ban đàm phán cũng là một vấn đề pháp lý quan trọng vì sẽ liên quan tới số tiền không nhỏ và việc không thực hiện đúng cam kết của một trong các bên có thể để lại hậu quả pháp lý rất lớn cho hoạt động kinh doanh của các đơn vị thực sự có nhu cầu.
Hồi đầu tháng 3, ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNPayTV cho ICTnews hay, VNPayTV đã 2 lần gửi công văn cho MP&Silva (đơn vị  nắm giữ bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh ở Việt Nam mùa giải 2016 – 2019) và cũng đã nhận được công văn của họ phúc đáp lại. Phía MP&Silva đã hẹn sẽ sang Việt Nam để làm việc với VNPayTV, tuy nhiên họ vẫn chưa sang.
 “Các đơn vị truyền hình lớn đều đã ký cam kết ủy quyền cho VNPayTV đứng ra mua bản quyền, cho nên sẽ không có ai dám vượt mặt VNPayTV để đi đàm phán”, ông Cường khẳng định.
Cũng theo ông Cường, mức giá 80 triệu USD mà đơn vị nắm giữ bản quyền Ngoại hạng Anh đưa ra là quá cao, nên nếu doanh nghiệp có mua bản quyền với giá đắt như vậy cũng sẽ không kinh doanh hiệu quả được.
“Tuy nhiên, điểm hay nhất là năm nay lần đầu tiên nhà nước có ý kiến chỉ đạo về việc mua bản quyền Ngoại hạng Anh. VNPayTV sẽ thực hiện đúng chỉ đạo này, quyết tâm không mua độc quyền Ngoại hạng Anh. Còn nếu đơn vị nắm giữ bản quyền không chịu bán độc quyền thì sẽ bỏ một mùa bóng đá Anh cũng không sao”, ông Cường cho hay.
Ngày 16/3/2016, VNPayTV đã gửi thông báo yêu cầu các thành viên đề xuất phương án và nhu cầu cụ thể phân phối bản quyền giải Ngoại hạng Anh khi đã có kết quả đàm phán với MP&Silva (đơn vị nắm giữ bản quyền). VNPayTV cũng cho biết sẽ xây dựng dự thảo các phương án, phương thức phân phối và quy chế của Ban đàm phán trước ngày 20/4/2016 để các đơn vị thảo luận góp ý.
Nguồn tin từ:chonsodepvina.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét