Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Thứ trưởng Lê Nam Thắng : mong muốn một thị trường 4G có sự cạnh tranh mạnh mẽ.

Nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, theo quy tắc lựa chọn N+1, khi đấu giá 4G thì ngoài những doanh nghiệp cũ nên có ít nhất một doanh nghiệp mới nhưng hiện cả ba "ông lớn" Viettel, MobiFone và VinaPhone đều là các doanh nghiệp Nhà nước, không có đại diện tư nhân nào trong cuộc chơi lớn này.
Nhiều khả năng, các nhà cung cấp dịch vụ 4G sẽ không cạnh tranh nhau về giá cước, mà sẽ cạnh tranh về mặt nội dung trong bối cảnh khi hạ tầng triển khai đã không còn là vấn đề quan trọng.
Chỉ có 3 "ông lớn" trong cuộc chơi 4G
Trong Toạ đàm “Việt Nam tiến lên 4G như thế nào” do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức vào chiều 21/10, Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng trăn trở việc thị trường viễn thông hầu như đang là cuộc chơi của các doanh nghiệp 100% Nhà nước, trong bối cảnh MobiFone chưa hoàn thành cổ phần hoá.
Đứng trên cương vị Thứ trưởng phụ trách về Viễn thông trong nhiều năm trước đây, ông Lê Nam Thắng nhận định việc cạnh tranh mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người dùng, nếu có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, Việt Nam có thể phát huy tối đa nguồn lực của xã hội, kể cả các doanh nghiệp tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Lê Nam Thắng (giữa) mong muốn một thị trường 4G có sự cạnh tranh mạnh mẽ - Ảnh: Việt Hải 
Theo ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng cơ chế chính sách Cục Viễn thông, Bộ TT&TT dự kiến cấp phép cho 3 doanh nghiệp xin cấp phép thử nghiệm mạng 4G và đang trình Bộ trưởng xem xét cấp phép sau quá trình thẩm định, thử nghiệm sẽ mang tính chất hạn chế, mỗi doanh nghiệp triển khai tối đa 3 tỉnh thành, thí điểm cung cấp dịch vụ. Theo quy hoạch phát triển viễn thông, năm 2016 Bộ sẽ xem xét cấp phép triển khai mạng băng rộng di động thế hệ tiếp theo và rất có thể, mạng 4G sẽ chính thức được đưa vào sử dụng trong năm 2017.
Giám đốc Qualcomm Đông Nam Á, ông Mantosh Malhotra cho biết, hệ sinh thái 4G đã tương đối hoàn thiện, thiết bị đầu cuối rẻ. Mặc dù Việt Nam triển khai chậm hơn một số nước nhưng có lợi thế: hưởng lợi công nghệ mới nhất của 4G, cho phép viễn thông sản sinh nhiều ngành mới mà trước đây 3G khá khó khăn, đặc biệt những ngành lưu lượng truyền tải lớn. Đặc biệt mảng M2M - máy móc kết nối với nhau, sử dụng dữ liệu thông qua mạng 4G, Qualcomm cam kết hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước, nhà mạng, nhà cung cấp nội dung tại Việt Nam triển khai 4G.
Theo số liệu của GSA, tổng số thuê bao 4G LTE và LTE-Advanced đến quý 3/2015 là hơn 700 triệu, chiếm khoảng 10,44% số lượng thuê bao di động trên toàn cầu. Ông Lê Nam Thắng nhận định, khi số lượng thuê bao đạt 10 - 15% thì công nghệ có khả năng trở thành phổ biến.
Như vậy, việc Việt Nam đi lên 4G là hoàn toàn khả thi về mặt công nghệ và có tiềm năng phát triển, trong khi doanh nghiệp nào “thắng” trong cuộc đấu giá băng tần 4G vẫn là một ẩn số.
Sẽ có "cuộc chiến" về nội dung
Mặc dù, xét về mặt thông số, Việt Nam chưa có nhiều “cửa sáng” để thu được nhiều lợi nhuận trong cuộc chơi 4G, nhưng theo cách nói của nguyên Thứ trưởng Bộ BC&VT Mai Liêm Trực, nhà mạng đang có những bước chuẩn bị về mặt nội dung phục vụ 4G, cho dù họ chưa tiết lộ để đảm bảo bí mật cạnh tranh.
Trước đó, theo số liệu từ một nhà mạng thì số smartphone của Việt Nam có trang bị 4G chỉ chiếm khoảng 5%. Hiện tại, sác sản phẩm trang bị công nghệ 4G LTE cũng có giá thành từ 10 triệu đồng/chiếc, trong khi với mức thu nhập của người Việt thì những thiết bị đầu cuối nên ở mức 3 - 5 triệu đồng mới phù hợp.Nhưng với đặc thù là ngành liên tục đổi mới, giá thành ngày càng rẻ, nhiều người kỳ vọng thiết bị 4G sẽ có sự đột biến về giá.
Giám đốc công nghệ của Viettel, ông Hồ Chí Dũng nhận định 3G chưa thành công, khi trong 5 năm triển khai, tổng số thuê bao 3G của Viettel chiếm khoảng 30%, con số này chỉ bằng Thái Lan chuyển đổi trong vòng 5 tháng, đại diện Viettel thừa nhận chưa có cách tiếp cận đúng khi cung cấp 3G, Viettel sẽ rút kinh nghiệm với 4G, tập trung vào những dịch vụ data mang tính sáng tạo cao.
Ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng Giám đốc VNPT-Net cũng cho rằng, VNPT không thử nghiệm về công nghệ vì đã chín muồi, chỉ thử nghiệm về thương mại, thử trải nghiệm của người dùng và phản hồi. Hiện toàn bộ mạng lưới của VNPT đã sẵn sàng. Toàn bộ trạm cũ đấu nối vào trạm trung tâm đều đã đầu tư cáp quang, khi phát triển 4G chỉ cần nâng cấp hệ thống thiết bị ở trạm và trung tâm là có thể triển khai ngay.
Đồng ý với nhận định rằng, cách tiếp cận việc đi lên 4G không phải là khó khăn về vấn đề hạ tầng mà là hệ sinh thái truyền thông, ông Phạm Anh Chiến, Giám đốc của VTV Digital nói: “Bài toán làm sao để sử dụng nền tảng 4G, phục vụ đa nền tảng sẽ là tương lai cho sự phát triển 4G tại VN. Tương lai của truyền hình từ SD đến HD và bây giờ là 4K rồi 8K. Tương tự với 3G và 4G, việc chuẩn bị nội dung là điều quyết định”.
Nguồn tin từ:chonsodepvina.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét