Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Chiến lược để thành công mạng 4G là gì?

 Ông Đào Trung Thành, PGĐ Công ty MVV Mobile cho biết, theo GMSA, việc triển khai mạng 4G sẽ nhanh hơn 3G, nếu như phải mất tới 10 năm để phủ sóng 3G tới một nửa dân số toàn cầu thì với mạng 4G, chỉ cần 4 năm để đạt tới cột mốc tương tự. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ và sự khác biệt sẽ quyết định thành công của 4G.
Với tư cách là một người hoạt động trong nghề 20 năm nay, ông Đào Trung Thành - chuyên gia tư vấn chiến lược Công ty T&A, PGĐ Công ty MVV Mobile đã chia sẻ một vài ý kiến về việc triển khai mạng 4G tại Việt Nam.
Mới đây, tổ chức GMSA đã đưa ra những nghiên cứu về thị trường băng rộng di động trên toàn cầu. Theo đó, trong số 5 người sẽ có hơn 4 người được tiếp cận với mạng 3G vào năm 2020 (tăng 70% so với hiện nay), trong khi mạng 3G sẽ phủ sóng tới hơn 60% dân số (tăng 25%). Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động cũng không ngừng tăng lên kể từ thời điểm mới ra mắt của mạng 3G vào năm 2001 và mạng 4G vào năm 2009.
Theo GMSA, việc triển khai mạng 4G sẽ nhanh hơn mạng 3G, nếu như người ta phải mất tới 10 năm để phủ sóng 3G tới một nửa dân số toàn cầu, thì với mạng 4G, chỉ cần 4 năm để đạt tới cột mốc tương tự, nghĩa là vào năm 2017. Một vài nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển của mạng băng rộng di động, trong đó nổi bật nhất là chủ trương cung cấp băng tần tại mỗi nước, cũng như điều kiện kinh tế vĩ mô gây ảnh hưởng tới quyết định đầu tư.
Vùng phủ sóng băng rộng di động 2009 - 2020
Vì thế có thể khẳng định năm 2016, 2017 là thời điểm bùng nổ của mạng 4G. Cũng theo báo cáo của GSMA vào đầu năm nay, có 335 nhà khai thác chính thức cung cấp dịch vụ LTE tại 118 quốc gia. Số lượng nhà khai thác được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi trong vòng 3 năm tới, đạt tới 600 tại 156 nước. Tại các nước phát triển, vùng phủ 4G đã đạt 80% dân số vào tháng 12/2014, trong khi tại các nước đang phát triển, con số vẫn dậm chân tại chỗ là 10%. Nhiều chuyên gia hi vọng vào sự thay đổi tại đây khi nhiều nhà mạng sẽ triển khai 4G hơn nữa tại châu Mỹ La tinh và Châu Á – Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam.
Kết quả một báo cáo về tốc độ Internet di động vừa được Ericsson công bố thực hiện tại 9 quốc gia khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương. Trong đó, quốc gia có tốc độ internet di động cao nhất là Singapore, đạt 21.870 kbps, nhanh gấp đôi quốc gia đứng thứ hai là Australia với tốc độ là 11.190 kbps và gấp hơn 9 lần nước đứng thứ ba là Thái Lan (2.380 kbps), Malaysia đạt tốc độ 2.340 kbps, Indonesia 1.970 kbps. Tốc độ truyền dữ liệu di động trung bình của Việt Nam chỉ đạt 160kbps.
Theo kết quả một cuộc khảo sát trên diện rộng của Ovum (15. 000 thuê bao tại 15 thị trường lớn), có tới 50% thuê bao di động cho biết có tới 50% thuê bao di động được khảo sát cho biết họ sẽ rời mạng vào năm sau (2016). Cụ thể 25% cho biết dứt khoát sẽ chuyển sang nhà mạng khác, 25% còn lại thì cho biết có khả năng sẽ rời mạng họ đang sử dụng.
Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của người dùng. 37% số người được hỏi cho biết tốc độ kết nối chậm là lý do chính khiến họ quyết định/hoặc có ý định rời sang sử dụng dịch vụ của nhà mạng khác.
Báo Bưu điện Việt Nam và Công ty nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam đã tổ chức công bố kết quả: “Báo cáo dự án nghiên cứu hành vi sử dụng dịch vụ 3G của người dùng Việt Nam năm 2014”. khảo sát quan điểm của người dùng 3G đối với dịch vụ 4G và OTT. Kết quả cho thấy, phần lớn người dùng 3G chưa biết nhiều về dịch vụ 4G (79% người dùng 3G chưa biết gì về dịch vụ 4G). Chỉ khoảng 21% người dùng 3G được khảo sát có biết về dịch vụ này. Đối với những người có biết dịch vụ 4G thì đa số đều cho rằng dịch vụ này có tốc độ kết nối cao hơn. Tuy nhiên, họ sẽ chỉ sử dụng nếu người khác sử dụng thử trước (59%).
Cũng theo khảo sát của GfK, 87% người sử dụng 3G tham gia khảo sát có sử dụng dịch vụ OTT. Trong đó, 83% có sử dụng Facebook chat/Messenger, 64% dùng Zalo, 45% dùng Viber, 23% dùng Yahoo! Messenger, 20% dùng Skype, 10% dùng Line.
Vì vậy, đứng trước sự kiện bùng nổ mạng băng rộng vào thời điểm 2016-2017, ứng dụng mạng OTT đang lấn sân và làm giảm doanh thu dịch vụ thoại và nhắn tin của các nhà khai thác viễn thông, sự không hài lòng về chất lượng và tốc độ mạng 3G hiện nay;  theo như nhiều chuyên gia và cá nhân tôi nhận định, thời điểm đầu năm 2016 là thời điểm thích hợp để Việt Nam triển khai 4G.
Có ý kiến cho rằng: "4G mà dùng để đăng những hình ảnh, tải nhạc chuông hoặc truy cập web thì không có ý nghĩa. 4G phải dùng cho những ứng dụng lớn, trong thương mại điện tử, Chính phủ điện tử, khi dữ liệu được truyền tải rất lớn. Còn nếu dùng cho những ứng dụng đơn giản như xem phim, chơi điện tử, truy cập web thông thường thì không có ý nghĩa, không giải quyết được vấn đề gì".
Về mặt chiến lược kinh doanh, tôi có vài ý phản biện ý kiến kiến trên:
Thứ nhất, lưu lượng trên internet nằm 2015 65% là video dự kiến đến năm 2020 video chiến 80% lưu lượng trên internet toàn cầu, thậm chí là 85% ở Mỹ. Video sẽ là nguồn lợi lớn của nhà mạng, thị phần  dịch vụ Video năm 2015 ở Mỹ là 12 tỷ USD dự kiến đạt $18 tỷ vào 2020.
Thứ hai, thị phần Games toàn cầu năm 2015 là 17 tỷ USD và dự báo đến năm 2020 là 40 tỷ USD.
Thứ ba, các dịch vụ cho Chính phủ điện tử không hề tiêu tốn nhiều băng thông so với các dịch vụ trên và cũng không mang lại nhiều doanh thu cho các nhà mạng.
Trong khi doanh thu hàng năm của Viettel khoảng 10 tỷ USD (cả trong nước và 9 thị trường nước ngoài), VNPT 5 tỷ USD,  MobiFone 2 tỷ USD thì các dịch vụ Video và Games những dịch vụ “ngốn băng thông” (bandwith intensitive services) sẽ đem lại doanh thu và lợi nhuận cho các nhà mạng khi triển khai dịch vụ 4G, dịch vụ có tốc độ cao hơn 3G rất nhiều lần.
Theo Erisson, việc cạnh tranh về giá là một chiến lược đắt đỏ. Giành thị phần tại một thị trường bão hòa bằng những gói cước chung chung chỉ có hiệu quả trong một cuộc chiến về giá cước. Điều quan trọng hơn cả là sự kết hợp giữa trải nghiệm và hiệu quả.
Khi băng rộng di động trở thành một làn sóng trong cuộc sống của con người, yêu cầu của họ về tốc độ, chất lượng và sự sẵn có luôn tăng lên. Mạng lưới trở nên quan trọng trong trường hợp này. Bên cạnh đó, điều ngày càng quan trọng là nhà mạng cần phải tạo nên sự khác biệt khiến các đối thủ khó có thể copy, nhờ đó mới đi trước đối thủ cạnh tranh một bước.
Lịch sử đã chỉ ra rằng, nhà mạng, cũng như các công việc kinh doanh khác, có thể tạo lợi thế cho mình bằng cách trở thành người đầu tiên đầu tư cho một công nghệ mới. Với 4G theo tôi, các nhà mạng ở Việt Nam rồi cũng có thể đầu tư được các thiết bị, công nghệ 4G tương tự như nhau. Cái làm ra khác biệt chính là nội dung của dịch vụ trên đó.
Theo Peter Drucker, chuyên gia hàng đầu về tư vấn quản trị, cải thiện chỉ số KPI chỉ có ý nghĩa nếu định nghĩa KPIs chuẩn. Trong lĩnh vực băng rộng di động, chỉ số được tính là chất lượng mà người tiêu dùng đang được trải nghiệm, chứ không phải trong phòng thí nghiệm.
Trong khi người dùng di động không bao giờ là một nhóm đồng nhất,  sự tăng trưởng smartphone và ứng dụng di động cho thấy họ đang thay đổi chóng mặt, và cá nhân hóa hành vi sử dụng hơn bao giờ hết. Điều này nghĩa là một trải nghiệm tuyệt với đối với một người không có nghĩa tương tự đối với một người khác. Do đó nhà mạng cần thiết đầu tư một hệ thống quản lý trải nghiệm khách hàng (Custommer Experience Management-CEM) tiên tiến, hiện đại với những KPI đo lường hiệu quả mức độ trải nghiệm và hài lòng khách hàng.
Theo một báo cáo của Erisson thực hiện vào năm 2013, chất lượng mạng lưới là tiêu chí quan trọng nhất giúp làm tăng lòng trung thành của thuê bao, quan trọng gấp 2 lần so với giá cước, và 4 lần so với mức khuyến mại cho khách hàng lâu năm.
Những tiêu chí ảnh hưởng đến khách hàng (Nguồn: Ericson)
Với dịch vụ băng rộng di động, ai cũng hiểu rằng một kích cỡ không thể phù hợp với tất cả. Người dùng có quyền cá nhân hóa cách mà họ sử dụng thiết bị, dịch vụ, và ứng dụng theo nhu cầu và sở thích cá nhân của họ. Nhà mạng cần phải đa dạng hóa các gói cước dành cho các nhu cầu khác nhau của khách hàng. Tuy nhiên, nhiều gói cước không có nghĩa là phức tạp hóa vấn đề cho cả nhà mạng và người dùng. Đó là lý do tại sao nhà mạng lại tái cấu trúc các gói thuê bao truyền thống và biến chúng thành lựa chọn dễ hiểu cho khách hàng. Các tiêu chí để tái cấu trúc bao gồm lượng dữ liệu, tốc độ kết nối, số lượng thiết bị của khách hàng và quy mô ứng dụng.
Sự phức tạp trong thế giới kết nối ngày nay cũng đem lại cơ hội cho những ai sẵn sàng tham gia. Nhà mạng có hạ tầng rộng khắp, mà có thể hoạt động theo những cách mới xoay quanh di động. Thay vì tự sáng tạo, họ có thể tham gia với bên thứ ba để cải tiến dịch vụ. Tuy nhiên, đó không đơn giản là ghép nối các dịch vụ với nhau. Họ phải cải tiến theo từng lớp dịch vụ và đem lại giá trị cho khách hàng, dựa trên tài sản lớn nhất của họ: kết nối tốt, thắt chặt quan hệ với khách hàng. Như vậy, nhà mạng cần phối hợp chặt chẽ với đối tác thứ ba cung cấp một nền tảng mở (open ecosystem).
Tóm lại, theo quan điểm của chúng tôi, 4G không đơn thuần chỉ là công nghệ mới về tốc độ. Muốn triển khai 4G thành công, nhà mạng cần phải cung cấp các dịch vụ phù hợp nhất với nền tảng này, tạo nên những khác biệt. Như vậy, họ mới trở thành người dẫn đầu (front runner) và 4G mang lại doanh thu lớn cho nhà mạng này.
Nguồn tin từ:chonsodepvina.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét