Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Google tung ra tới 3 ứng dụng nhắn tin: Spaces, Allo và Duo

Trong vòng 1 tuần vừa qua, Google tung ra tới 3 ứng dụng nhắn tin: Spaces, Allo và Duo; trong khi hãng đã có tới 3 ứng dụng khác mang chức năng tương tự. Vì sao hãng tìm kiếm lại có chính sách lạ lùng này?
Chỉ trong vòng 1 tuần qua, hãng tìm kiếm Google đã tung ra tới 3 ứng dụng nhắn tin với tên gọi Spaces, Allo và Duo. Trước đó, Google đã sở hữu tới 3 ứng dụng có chức năng tương tự. Để hiểu vì sao hãng liên tục ra mắt loại ứng dụng này và vì sao Google sẽ còn làm điều đó trong tương lai, chúng ta chỉ cần nhìn vào những gì Google đã làm trong quá khứ. 
Cách đây 12 năm, Google bắt đầu "chuyển dịch" từ công ty chuyên về tìm kiếm sang các lĩnh vực khác. Hãng tung ra Gmail. Không lâu sau đó, công ty cung cấp nhiều ứng dụng, dịch vụ nhằm giúp người dùng giao tiếp với nhau. Một người dùng với tài khoản Google hồi năm 2009 đã có thể lựa chọn một (hoặc nhiều) trong số hàng loạt công cụ tuyệt hay của hãng để giao tiếp. Gmail để gửi và nhận thư điện tử, Talk để chat voice và text theo thời gian thực, Google Voice giúp gọi điện VOIP. Đó là chưa kể tới Android, hệ điều hành giúp mọi thứ, trong đó có trò chuyện, nhắn tin, trở nên vô cùng thuận tiện. Tuy nhiên, không may là rất nhiều sản phẩm của Google nhanh chóng biến mất khi công ty ngày càng tung ra thêm nhiều dịch vụ khác. 
Google Wave là sự bổ sung đầu tiên của Google. Được công bố hồi giữa năm 2009, Wave là sự tổng hợp giữa một bảng tin và một công cụ nhắn tin tức thời. Nó cũng cho phép nhiều người cùng biên tập một bài viết và có những hiệu ứng rất đẹp. Wave thu hút được một cộng đồng người dùng không quá lớn nhưng trung thành, tuy nhiên sau một thời gian, Google ngừng phát triển dự án này. 
Logo ứng dụng Google Wave. 
Tiếp theo đến lượt Buzz ra đời. Ra mắt năm 2010, đây là nỗ lực đầu tiên của Google nhằm "đánh chiếm" vào mạng xã hội. Buzz thất bại thảm hại, mà nguyên nhân là người dùng quan ngại về quyền riêng tư cũng như do những lời than phiền của người dùng về cách Google ép buộc họ. Wave và Buzz không thực sự bị mâu thuẫn, chồng chéo chức năng với các sản phẩm, dịch vụ khác của Google, thế nhưng, tình trạng chồng chéo này đã xảy ra với sản phẩm mạng xã hội tiếp theo của hãng: Google+.
Là một mạng xã hội, Google+ cũng có 2 tính năng tạo thuận lợi cho người dùng trong việc giao tiếp với các cá nhân và các nhóm: Hangouts và Huddles. Hangouts ở thời điểm còn được tích hợp trong Google+ không phải là Hangouts như những gì chúng ta được biết đến ngày nay. Nó cho phép bạn chat video với nhiều người cùng lúc, nhưng người đó nằm trong cùng một "Circle" (còn gọi là "vòng tròn bè bạn" nơi bạn nhóm nhiều người bạn có cùng sở thích, đam mê... vào một chỗ). Huddle, mặt khác, là một ứng dụng nhắn tin tức thì giúp bạn chat với những người dùng Google+ khác. 
Huddle sau đó được đổi thành Google+ Messenger, cung cấp các chức năng giống Google Talk, còn Hangouts mở rộng để trở thành giải pháp thay thế Google Voice. Trong vòng 1 năm, Google tung tính năng gọi thoại (audio) bằng cách mời người dùng tham gia Hangouts qua đường dây điện thoại thông thường. 
Video giới thiệu Google+ Messenger: 

Như vậy, 2 ứng dụng này của Google gần như đã có thể giải quyết được mọi thứ liên quan đến nhắn tin, chat. Tuy nhiên, có một vấn đề tồn tại là nhiều người dùng vẫn sử dụng tin nhắn SMS. Hãng tìm ra giải pháp khắc phục bằng cách thống nhất các nền tảng đang rời rạc của mình. Năm 2013, Google tung ra một phiên bản Hangouts hoàn toàn mới, hỗ trợ nhiều hệ điều hành và thậm chí chạy được trên trình duyệt web máy tính. Nó tổng hợp chức năng của Messenger và Hangouts cũ. Talk - tính năng chat bên trong Gmail - cũng được thay thế bằng Hangouts. Voice lẫn SMS chưa được tích hợp vào ứng dụng này, nhưng Google lúc đó vẫn đang đi đúng đường.
 Vào cuối năm 2013, Google bổ sung SMS vào Hangouts, và trong Android 4.4, ứng dụng này thay thế Messaging để trở thành app mặc định cho nhắn tin SMS. Đến tháng 10/2014, Google tích hợp luôn cả VOIP vào Hangouts. Như vậy, cuối cùng Google đã có một ứng dụng "tất cả trong một" - Hangouts đã có mọi tính năng mà người dùng cần cho việc nhắn tin. 
Có thể khẳng định rằng, Hangouts là ứng dụng nhắn tin tốt nhất của Google, bởi nó là một giải pháp tổng thể chứ không rời rạc, rối rắm như hàng loạt ứng dụng trước đó. Google đã thử nghiệm hàng loạt tính năng trong một thời gian dài để rồi tổng hợp tất cả những gì tốt nhất vào một ứng dụng Hangouts duy nhất. 
Video giới thiệu Hangouts:

Đáng ra mọi chuyện có thể sẽ kết thúc ở đây song thực tế thì không như vậy. Không hiểu vì lý do gì - có lẽ là do Google nhận thấy rất nhiều người dùng Android không sử dụng Hangouts - Google phát hành thêm một ứng dụng nữa vào hồi tháng 11/2014 có tên MessengerNó không liên quan gì tới ứng dụng Google+ Messenger, mà đơn thuần chỉ là một app chuyên về SMS và MMS. Hangouts vẫn có tính năng nhận và gửi tin nhắn, nhưng Messenger giờ đây là app mặc định trên điện thoại Nexus đồng thời cho phép bất kỳ người dùng Android nào tải về từ Play Store để sử dụng. Sự chồng chéo này đồng nghĩa với việc nếu bạn mua một chiếc smartphone Android cao cấp của Samsung, bạn sẽ sở hữu tới 2 ứng dụng có thể nhận và gửi tin nhắn SMS (ứng dụng của Samsung và Hangouts). Đó là chưa kể đến khả năng bạn được bạn bè "dụ dỗ" cài đặt thêm app thứ ba là Messenger.
Dẫu sao, SMS từ lâu đã không còn là phương pháp giao tiếp "thống trị" như trước đây nữa, bởi thế, có thể nói Hangouts đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Dù Facebook Messenger hay WhatsApp vẫn là sự lựa chọn chính của người dùng (không phải chúng tốt hơn Hangouts nhưng đơn giản là chúng ta dùng Facebook Messenger bởi bạn bè của chúng ta cũng dùng nó), thế nhưng những trải nghiệm với Hangouts vẫn là rất tốt. Thực trạng này đúng với Google+ - nó cũng là một mạng xã hội rất hay, ngoại trừ việc hiếm ai dùng tới. 
Đây chính là vấn đề thực sự mà Google phải đối mặt, và đó là lý do hãng liên tục tung ra các ứng dụng mới. Ngày càng có nhiều người hơn dùng Facebook Messenger, WhatsApp, Snapchat so với Hangouts. than Hangouts. Và các mạng xã hội như Facebook, Instagram... có nhiều khách hàng hơn so với Google+.
"Hậu quả" là giờ đây chúng ta sẽ có tới 3 ứng dụng mới đến từ hãng tìm kiếm, trong đó mỗi ứng dụng sẽ có một chức năng riêng biệt. Đầu tiên là Spaces. Bạn có thể hiểu nó giống như một ứng dụng mạng xã hội tương tự Google+, cho phép các nhóm nhỏ người dùng làm việc cùng nhau thông qua việc chia sẻ ảnh, link, video... Tiềm năng của Spaces là rất hứa hẹn nhưng hiện nay nó vẫn là một sản phẩm dang dở, chưa hoàn thiện. 
Tiếp theo là Allo, câu trả lời của Google cho Facebook Messenger. Nó dùng các máy học (machine learning) để giúp đưa ra các câu trả lời tự động. Allo cũng có chức năng trợ lý ảo giúp bạn trả lời các câu hỏi, đặt chỗ nhà hàng... Bạn không cần dùng tài khoản Google để đăng ký Allo, mà chỉ cần số điện thoại đang dùng - tương tự như việc đăng nhập WhatsApp mà không cần tài khoản Facebook. 
Cuối cùng, chúng ta có Duo - ứng dụng chỉ tập trung vào một chức năng duy nhất chứ không "kiêm nhiệm" như 2 app trước. Về cơ bản, nó lặp lại chức năng "khởi thủy" của Hangouts: gọi video. Theo quảng cáo của Google, nó giúp cuộc gọi video trên di động có tốc độ cao và trở nên đơn giản. Duo sẽ hỗ trợ cả Android và iOS. Cả Duo và Allo đều được mã hóa hoàn toàn, tuy nhiên, việc mã hóa trên Allo là không mặc định. Đây là điểm Google cần chú ý bởi Hangouts cũng từng thiếu vắng sự mã hóa này và gây ra sự bất an đối với những người dùng quan tâm đến quyền riêng tư. 
Video giới thiệu Duo:

Khi Duo và Allo được phát hành bản chính thức, người dùng Google lại lạc vào một ma trận mới. Bạn muốn gửi tin nhắn cho bạn bè, người thân? Hãy chọn giữa Hangouts, Allo hay Messenger. Bạn muốn gọi vieo? Hangouts và Duo đều có chức năng này. Bạn muốn chat nhóm? Hangouts, Allo, hay Spaces đều làm được. Quá rối rắm và không bền vững. 
Lúc này, có thể bạn sẽ nhìn sang Facebook để so sánh. Mạng xã hội này có 2 dịch vụ chat riêng biệt gồm WhatsApp và Facebook Messenger. Tuy nhiên, Facebook không phải quá lo lắng về điều này. WhatsApp trước khi về tay Facebook đã là một ứng dụng chat rất phổ biến, còn Google không có được may mắn đó. Vì vậy, Google chỉ có thể học theo một mẹo khác của Facebook: thử nghiệm các tính năng mới trên một diện người dùng nhỏ, sau đó tích hợp các tính năng này vào các sản phẩm lớn hơn. Trong vài năm qua, Facebook đã tung ra hàng loạt ứng dụng như: Slingshot, Rooms, Paper, Riff, Strobe, Shout, Selfied và Moments. Mỗi ứng dụng về cơ bản được thiết kế để thực hiện một tính năng chính: chat, tin nhắn tự hủy, dòng tin... Bản thân mỗi ứng dụng không đủ sức hấp dẫn để thu hút một lượng người dùng lớn, nhưng các tính năng của chúng có thể đủ hữu dụng để được tích hợp vào app Facebook và Messenger. Trong trường hợp tự bản thân ứng dụng nào đó trong số này thu được thành công thì chúng ta lại có một ứng dụng mới thành công nổi lên. 
Chiến lược của Google với Allo, Duo và Spaces tương tự những gì Facebook đang làm. Từ nay đến cuối năm, chúng ta vẫn chưa thể biết các ứng dụng mới này của Google sẽ thành công hay thất bại, tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, hãng vẫn tiếp tục thử nghiệm các tính năng mới trước khi tích hợp các tính năng tốt nhất vào một app duy nhất nào đó - giống như hãng làm với Hangouts. 
Còn người dùng, khi Google vẫn đang cứ mải mê với các thử nghiệm, tung ra hàng loạt ứng dụng chồng chéo về chức năng, họ phải làm quen với sự rối rắm khi nhìn vào màn hình chính trên smartphone vì không biết nên chọn app nào để nhắn tin, app nào gọi video. 
Nguồn tin từ:chonsodepvina.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét