Tiến vào kỷ nguyên số và trong xu hướng Công nghệ thông tin – viễn thông hội tụ, MobiFone đã chính trực bước chân vào lĩnh vực Công nghệ thông tin. Ngay từ đầu, MobiFone xác định cần phải đi theo những công nghệ mới, tương lai để sớm chiếm lĩnh thị trường và trở thành nhà cung cấp dịch vụ CNTT số một tại Việt Nam.
Xác định điều đó, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, với chiến lược liên kết – công hưởng, MobiFone đã hợp tác với nhiều đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước, phát triển và làm chủ những công nghệ hàng đầu và ứng dụng tạo thành các sản phẩm, sẵn sàng cung cấp cho thị trường CNTT từ năm 2017.
Công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên – Giải pháp SocialME thu thập và xử lý dữ liệu từ Internet giúp quản lý thương hiệu, đo đạc hiệu quả truyền thông, ngăn chặn khủng hoảng truyền thông và hỗ trợ chủ động chăm sóc khách hàng.
Với xu thế mạng xã hội, các diễn đàn, các trang báo điện tử phát triển ngày càng mạnh, mỗi ngày có hàng chục triệu nội dung liên quan đến các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội được người dùng đưa lên trên Internet. Việc tìm hiểu các nội dung này mang lại khả năng nhận biết các xu thế, xu hướng mới hoặc khả năng nhận biết phản ứng của người dùng với các thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp cũng như mức độ hài lòng của khách hàng.
 |
Đánh giá các lợi ích đó, MobiFone đã đặt vấn đề cần phải thu thập các dữ liệu này, phát triển công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên để nâng cao am hiểu khách hàng và phục vụ tốt hơn, không những cho MobiFone mà cho hàng nghìn doanh nghiệp khác. Sau một thời gian nghiên cứu cùng các đối tác, chuyên gia, MobiFone đã cho ra đời giải pháp SocialME (Social Media Engagement) giúp thu thập trên 90% nội dung tiếng Việt trên Internet, phân loại nội dung tích cực, tiêu cực, trung tính cho nội dung này tương ứng với từng chủ đề, chủ thể. Doanh nghiệp khai thác công cụ này có thể nhận biết thương hiệu của mình đang được phản ánh thế nào, nhanh chóng nhận diện thông tin tiêu cực giúp ngăn chặn các cuộc khủng hoảng truyền thông, giúp nhận diện khách hàng nào đang không hài lòng về sản phẩm của mình, ở đâu, khi nào, v.v. để từ đó chủ động chăm sóc khách hàng thay vì bị động chờ khách hàng phản ánh. Theo MobiFone, doanh nghiệp sử dụng SocialME có thể cải thiện đáng kể hình ảnh của mình trong mắt khách hàng và gia tăng hiệu quả chăm sóc khách hàng lên hơn 50%.
Công nghệ ảnh 360 độ và thực tế ảo - MobiSphere
Mặc dù Facebook và một số các mạng xã hội trực tuyến khác đã đưa ra các công cụ giúp chụp ảnh 360 độ, công nghệ ảnh 360 độ vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi và đặc biệt, các doanh nghiệp vẫn không thể khai thác lợi ích của ảnh 360 độ một cách dễ dàng.
Với giải pháp MobiSphere cung cấp công cụ dựng ảnh 360 độ cùng các hiệu ứng, một trung tâm thương mại có thể được giả lập hoàn toàn để khách hàng có thể tham quan toàn trung tâm mà không cần phải đến hay đi khắp trung tâm. Nếu kết hợp thêm kính thực tế ảo, khách hàng hoàn toàn có thể điều khiển bằng ánh mắt để di chuyển hoặc xem giá cả từng mặt hàng mà mình quan tâm hoặc xem các chương trình khuyến mãi của các gian hàng trong trung tâm.
Tương tự như vậy, một khu du lịch, khu nghỉ dưỡng có thể được giả lập hoàn toàn để khách hàng có thể dễ dàng trải nghiệm mà không cần phải đến tận nơi, giúp doanh nghiệp có thể giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ một cách trực quan, mang lại cảm giác đẳng cấp, tuyệt vời khách hàng, v.v.
Công nghệ nhận dạng chữ viết văn bản – Docless, giải pháp số hóa đơn giản cho doanh nghiệp.
Trong xu thế công nghệ, các dạng dữ liệu giấy được scan thành tài liệu, lưu trữ trong hệ thống máy tính. Tuy nhiên nếu chỉ scan bình thường, các nội dung đó sẽ ở các định dạng nội dung mà máy tính không thể hiểu được (ví dụ: dạng ảnh, pdf chứa ảnh) và không thể tìm kiếm lại bằng các công cụ tìm kiếm, khiến cho việc tìm kiếm, truy xuất rất khó khăn.
Với sản phẩm Docless, MobiFone mang lại một công cụ tiện dụng cho doanh nghiệp để lưu trữ dữ liệu và tìm kiếm nhanh chóng. Giải pháp cho phép doanh nghiệp tạo không giới hạn các kho lưu trữ khác nhau, tương ứng các đơn vị hoặc thậm chí cá nhân, quản trị nội dung một cách hiệu quả và dễ dàng tìm kiếm lại các nội dung, không chỉ ở các tiêu đề mà còn ở bất kỳ nội dung nào bên trong các tài liệu. Giải pháp cũng cho phép doanh nghiệp khai báo không giới hạn các mẫu văn bản, hợp đồng, tài liệu, hóa đơn, chứng từ (tờ khai mở tài khoản ngân hàng, tờ khai hải quan, phiếu đăng ký, phiếu khảo sát, v.v.…). và định nghĩa các trường thông tin để nhận dạng các giá trị / nội dung theo đúng các mẫu cần thiết, giúp giảm tới 95%-98% nhân công thực hiện.
Với hai dạng cung cấp, trên Cloud và dạng một thiết bị máy chủ mini đi kèm phần mềm, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, khai thác chỉ với một vài thao tác đơn giản.
Bên cạnh giải pháp Docless, công nghệ nhận dạng chữ viết còn được ứng dụng vào các bài toán nhận dạng Chứng minh nhân dân (CMND), thẻ căn cước, hộ chiếu, biển số xe, v.v.
Công nghệ chat tự động
Chat tự động với máy tính là một trong 10 công nghệ được Gartner dự đoán thành công nghệ chiến lược năm 2017. Chat tự động là công cụ giúp người dùng có thể hỏi đáp với máy tính về các vấn đề liên quan. Một số chat bot nổi tiếng hiện nay có thể kể đến Siri, Cortana, Alexa…
Không chỉ dừng lại ở việc tán gẫu, tương tác đơn thuần hay thực hiện các tác vụ được giao trên hệ thống, Chat bot ngày nay được nhiều doanh nghiệp ứng dụng vào việc tiếp thị. Theo các đánh giá, Chat bot giúp doanh nghiệp tiếp thị dễ hơn, tự nhiên và thân thiện với khách hàng hơn, không khiến họ cảm thấy được bản chất của quảng cáo. Hoặc thay vì phải tải ứng dụng về và đăng ký thành viên để truy cập một dịch vụ nào đó thì người dùng di động chỉ việc gửi một tin nhắn đến bot của doanh nghiệp để thực hiện nhiều loại hoạt động khác nhau, như mua vé xem phim, gọi taxi, đặt hàng thức ăn giao tận nhà hay đơn giản là để đọc tin…
Đối với doanh nghiệp, chat tự động có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm công sức trả lời khách hàng trên các ứng dụng hỏi đáp trực tuyến, đặc biệt là các câu hỏi thường xuyên. Công cụ chat tự động ứng dụng công nghệ học máy, do đó theo thời gian, công cụ chat có thể giải đáp tới 70%-75% các nội dung câu hỏi của khách hàng, theo đó có thể tiết kiệm tới 70% công sức, tiết kiệm hàng tỷ đồng cho các doanh nghiệp lớn.
MobiFone đang tiếp tục hoàn thiện và dự kiến có thể cung cấp cho khách hàng công nghệ này từ khoảng Quý II năm 2017.
Công nghệ Video Streaming – Giải pháp hội nghị truyền hình MegaMeeting
Video Streaming đã ngày càng đi vào cuộc sống với hàng loạt các ứng dụng video streaming như Facebook, Bigo live, v.v. Ở góc độ doanh nghiệp, công nghệ Video streaming được ứng dụng cho các dịch vụ hội nghị truyền hình, giúp doanh nghiệp có thể tổ chức hội nghị tại nhiều điểm cầu khác nhau.
Trước đây, các giải pháp hội nghị truyền hình thường có chi phí rất cao, và cơ bản vẫn là những giải pháp cao cấp, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có điều kiện tiếp cận. Với công nghệ mới, MobiFone hy vọng sẽ mang lại giải pháp với chi phí hợp lý hơn, đơn giản, thuận tiện, chi phí đầu tư thấp.
Công nghệ xử lý dữ liệu lớn – Big Data
Big Data không còn là xu thế mà đã được khẳng định và được ứng dụng rộng rãi trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Big Data vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi. Là một trong những đơn vị đi đầu và quan tâm đến vấn đề phân tích dữ liệu nhằm nâng cao sự am hiểu khách hàng và phục vụ khách hàng tốt hơn, MobiFone đã ứng dụng Big Data từ năm 2012 và đến nay đã có một hệ thống Big Data hoàn chỉnh với công nghệ của IBM có khả năng xử lý hàng trăm TeraBytes dữ liệu có cấu trúc và phi cấu trúc. Trong năm 2016, MobiFone đã chính thức thành lập một đơn vị chuyên trách về Big Data, nghiên cứu và thử nghiệm hàng chục mô hình xử lý (model) cho các bài toán khác nhau, mang lại doanh thu trực tiếp hàng chục tỷ đồng.
Thực tế, Big Data có thể ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực đời sống, trong năm 2017, MobiFone tiếp tục mở rộng việc khai thác hệ thống này, không những chỉ với dữ liệu viễn thông mà sẽ bao gồm dữ liệu từ internet, các mạng xã hội, các dữ liệu chuyên ngành khác, đồng thời mong muốn chia sẻ các kinh nghiệm, kỹ thuật, các mô hình bài toán đã ứng dụng cho các doanh nghiệp khác, đặc biệt là các doanh nghiệp viễn thông, giao thông, ngân hàng, bảo hiểm, bán lẻ, truyền thông, marketing, v.v.
Công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing) – MobiFone Cloud
Điện toán đám mây có lẽ là một trong những công nghệ nổi bật nhất trong khoảng 5 năm vừa qua và tạo nên nhiều thay đổi trong các hoạt động công nghệ. Công nghệ điện toán đám mây cũng giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư, chi phí vận hành và thời gian triển khai các sản phẩm, giải pháp đồng thời giúp các nhà cung cấp giải pháp cung cấp sản phẩm đến khách hàng nhanh chóng, tiện lợi hơn.
MobiFone xác định đây là một trong những công nghệ mấu chốt, nền tảng giúp MobiFone chuyển từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống (CSP) thành một nhà cung cấp đa dịch vụ (SP). Năm 2016, MobiFone đã đầu tư thử nghiệm, xây dựng hệ thống MobiFone Cloud hoàn chỉnh với hơn 1000 CPU, làm chủ và cấp phát tài nguyên cho hàng trăm hệ thống phần mềm hoạt động hiệu quả, giúp giảm tới 70%-80% chi phí vận hành và nâng cao hiệu năng, tính ổn định của hệ thống.
Việc làm chủ hệ thống Cloud giúp MobiFone có thể triển khai nhanh các sản phẩm, dịch vụ hợp tác cung cấp cho khách hàng, giảm các chi phí vận hành, hỗ trợ, v.v.
Công nghệ lớp giữa (Middleware) – Giải pháp mSale
Kiến trúc SOA, công nghệ lớp giữa (middleware) đã được thế giới ứng dụng hàng chục năm nay, tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp ứng dụng vào việc phát triển các hệ thống lớn. Việc ứng dụng lớp giữa giúp khả năng tích hợp với nhiều hệ thống cũng như khả năng quản lý, xử lý các giao dịch trực tuyến (online) dù phức tạp cũng trở nên đơn giản, hiệu quả với mức độ ổn định hơn rất cao.
MobiFone đã mạnh tay ứng dụng các công nghệ này để xây dựng nên giải pháp mSale một cách bài bản, hoàn chỉnh nhất để có được hệ thống mSale như hiện nay, xử lý hàng trăm nghìn giao dịch trực tuyến mỗi ngày với số lượng nhân viên tác nghiệp thường xuyên lên tới hàng chục nghìn người, doanh thu qua hệ thống đạt hơn 30.000 tỷ, và dù chỉ mới đưa vào khai thác trong khoảng một năm qua, hệ thống gần như không gặp phải bất kỳ sự cố nào liên quan đến việc tích hợp và xử lý giao dịch.
Có thể nói, MobiFone là một trong số ít các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay có thể làm chủ tốt các hệ thống lớp giữa, được các hãng công nghệ uy tín như IBM, Oracle đánh giá cao.
Đầu tư nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới là hướng đi quan trọng của MobiFone trong việc tạo ra những sản phẩm tốt nhất, hiệu quả nhất cho doanh nghiệp, người dùng, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách của Việt Nam với các nước phát triển.
Nguồn tin từ:chonsodepvina.blogspot.com